Triển vọng FDI thế giới giai đoạn 2017 - 2018

17/03/2017
         

T

hế kỷ XXI đã mở ra một thời kỳ phát triển mới, một thế giới đầy sôi động của quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Gắn liền với quá trình ấy là quá trình luân chuyển vốn và luân chuyển lao động. Đây cũng là yếu tố chính hình thành nên nguồn vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), một nguồn vốn có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế các nước đang phát triển và thậm chí góp phần vào quá trình phát triển của các nước phát triển. FDI mang lại những đóng góp đáng ghi nhận cho nền kinh tế thế giới như giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần tăng trưởng GDP... Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ... đã đạt được tốc độ tăng trưởng tốt và trở thành những nền kinh tế mới nổi một phần là nhờ vào việc thu hút và sử dụng FDI có hiệu quả. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay, bài viết tập trung tìm hiểu nguồn vốn này sẽ thay đổi như thế nào và phát triển ra sao.


        1. Các nhân tố chính ảnh hưởng tới dòng FDI tương lai
        Dòng vốn FDI toàn cầu giảm 13% năm 2016 xuống còn 1,52 nghìn tỷ USD (đúng như dự báo của UNCTAD (2016)), phản ảnh sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu, sự yếu kém dai dẳng của tổng cầu và các biện pháp chính sách hiệu quả nhằm hạn chế các giao dịch đảo nghịch thuế và tình trạng suy giảm lợi nhuận của các công ty xuyên quốc gia (MNE). Các rủi ro địa chính trị gia tăng cùng những căng thẳng khu vực có thể làm gia tăng mức suy giảm dự kiến. Dòng vốn FDI có vẻ như đều suy giảm ở cả các nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế đang phát triển. Trong trung hạn, dòng vốn FDI toàn cầu được dự báo sẽ gia tăng vào năm 2017 và vượt qua mốc 1,8 nghìn tỷ USD năm 2018 (Bảng 1).
Bảng 1: Dự kiến dòng FDI phân theo nhóm các nền kinh tế
Đơn vị: triệu USD và %

        Trong khi đó, nền kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với những cơn gió ngược lớn, không có khả năng giảm trong ngắn hạn. GDP toàn cầu được kỳ vọng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng tương đối thấp vào khoảng 2,4 (Bảng 2). Đầu năm 2016, thị trường hàng hóa và tài chính toàn cầu đầy biến động, cùng với việc tiếp tục giảm giá dầu, đã làm gia tăng các rủi ro kinh tế tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Các động lực tăng trưởng trở nên chậm lại đáng kể ở một số nền kinh tế phát triển lớn cho tới tận cuối năm 2015. Còn ở các nền kinh tế đang phát triển, tổng cầu ì ạch, giá hàng hóa thấp, thắt chặt tài khóa cùng mất cân đối tài khoản vãng lai đã gây khó khăn hơn cho triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa. Các rủi ro địa chính trị gia tăng, các căng thẳng khu vực cùng những cú sốc liên quan đến thời tiết có thể làm trầm trọng hơn nữa mức độ suy thoái dự kiến.

        Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu và mức giá cả hàng hóa thấp hơn đã có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận và khả năng sinh lợi của các MNE, đặc biệt là các MNE trong lĩnh vực khai khoáng. Sau hai năm tăng trưởng liên tục, năm 2015 lợi nhuận của 5.000 MNE lớn nhất đã giảm tới mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008-2009 (Hình 1).

Bảng 2: Tốc độ tăng trưởng thực của GDP và Tỷ lệ tạo lập tài sản vốn cố định gộp (GFCF) giai đoạn 2014-2017


Hình 1: Khả năng sinh lợi và lợi nhuận của các MNE giai đoạn 2006-2015



        Ghi chú: Khả năng sinh lợi được tính bằng cách lấy thu nhập ròng chia cho tổng doanh số bán ra.
        Ngoài ra, các giao dịch xuyên biên giới trong những năm gần đây ít bị ảnh hưởng bởi vào tháng 4/2016, Bộ Tài chính Mỹ áp dụng các biện pháp mới để kiềm chế hiện tượng đảo nghịch thuế. Bộ quy định mới này, hành động phản ứng lần thứ 3 của Chính phủ nhằm chống lại các hành vi đảo nghịch thuế, đã làm cho các công ty gặp khó khăn hơn trong việc di chuyển nơi thanh toán thuế ra khỏi nước Mỹ và chuyển lợi nhuận tới các nước có mức đánh thuế thấp. Kết quả là, vụ sáp nhập trị giá 160 triệu USD giữa công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ với Tập đoàn dược phẩm Allergan Plc có trụ sở tại Ireland đã bị hủy.
        Nhìn chung, trong trung hạn, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017 và vượt qua mức 1,8 nghìn tỷ USD năm 2018, phản ánh tốc độ tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế toàn cầu.

        2. Triển vọng FDI toàn cầu theo các nhóm nước lớn
        Các nhóm nước lớn, ví dụ như G20, Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), APEC, TPP, RCEP, và BRICS chiếm thị phần đáng kể trong tổng FDI toàn cầu (Hình 2).

Hình 2: Dòng vốn FDI vào một số nhóm nước lớn giai đoạn 2014-2015


        Sự hợp tác kinh tế trong các nhóm nước lớn này đang làm gia tăng kỳ vọng về dòng vốn FDI lớn hơn trong tương lai vào các nhóm này từ các nguồn cung cấp FDI trong khu vực và ngoài khu vực. Triển vọng về một thị trường khu vực lớn, tự do hóa, xóa bỏ các rào cản thuế quan và việc bổ sung các lợi thế về vị trí địa lý được kỳ vọng sẽ khuyến khích các công ty ở cả trong lẫn ngoài mỗi nhóm này thiết lập sự hiện diện rõ ràng hơn. Các nhóm nước lớn được kỳ vọng sẽ làm gia tăng các cơ hội cho nguồn FDI tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguồn lực và tìm kiếm hiệu quả và dẫn tới việc tạo ra môi trường đầu tư phát triển, qua đó ảnh hưởng lớn hơn tới chuỗi giá trị của các nước nội nhóm. Song, do dòng vốn FDI vào các nhóm nước lớn đang được tập trung cao độ nên trong ngắn hạn, triển vọng FDI tại các nhóm nước lớn này sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi một vài nền kinh tế lớn. Cụ thể như sau:
        * G20
        Các nước thành viên G20 tạo ra hơn ¾ GDP toàn cầu và thu hút khoảng ½ dòng vốn FDI toàn cầu năm 2015. Khoảng 58% vốn FDI tích lũy toàn cầu được đầu tư vào G20 (tương đương với 14,4 nghìn tỷ USD) (Hình 2) và đây cũng là nơi tạo ra hơn 95% của 500 công ty lớn nhất toàn cầu. Tổng dòng vốn FDI vào G20 tăng 42% năm 2015, với lượng vốn đầu tư nước ngoài đều tăng ở phần lớn các nước thành viên.
        Song, dòng vốn FDI vào các nước G20 lại không giữ nguyên được tốc độ tăng trưởng như vậy trong năm 2016. Sự suy giảm này phản ánh sự mong manh của các nền kinh tế tiên tiến của G20, biến động của thị trường tài chính toàn cầu, tổng cầu yếu và sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế thị trường mới nổi lớn của G20.
Số liệu về các dự án đầu tư mới được công bố cũng chứng minh sự suy giảm này. Chẳng hạn như, số lượng và giá trị của các dự án đầu tư mới của G20 trong quý đầu tiên của năm 2016 thấp hơn gần 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngoài ra, việc Anh ra khỏi EU cũng tạo ra tác động không nhỏ tới dòng FDI vào các nước G20 thuộc EU cũng như sự chưa rõ ràng về các chính sách của Tổng thống Donald Trump cũng tạo ra hiệu ứng không nhỏ. Các nền kinh tế G20 phụ thuộc lớn vào tài nguyên thiên nhiên sẽ phải chịu tác động tiêu cực lớn hơn so với các nền kinh tế còn lại.
        * APEC
        Năm 2015, APEC là nhóm các nước tiếp nhận dòng FDI lớn thứ hai trong số các nhóm nước lớn, thu hút khoảng 54% tổng dòng vốn FDI toàn cầu (Hình 2). Con số này gần tương đương với thị phần của nó trong tổng GDP toàn cầu. APEC chiếm khoảng 12,8 nghìn tỷ USD vốn FDI tích lũy trong năm 2015. Cũng trong năm này, dòng vốn FDI chảy vào APEC đã tăng 42% lên 953 tỷ USD.
        Song, sang năm 2016, dòng vốn FDI vào giảm khoảng 16% xuống còn 800 tỷ USD. Trong khi suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực hiện nay sẽ cản trở tăng trưởng FDI trong các nước thành viên APEC, mức giảm này cũng là do việc quay trở lại các mô hình truyền thống sau một vài sự mở rộng cao khác thường ở hai nước thành viên lớn chủ nhà của APEC, Mỹ và Hồng Kong (Trung Quốc). Dòng vốn FDI vào hai nền kinh tế này tăng lên năm 2015 là nhờ một phần vào việc tái cơ cấu lại các tập đoàn, trong đó liên quan đến các lượng giá trị lớn trong tài khoản tài chính của cán cân thanh toán nhưng lại ít có sự dịch chuyển các nguồn lực thực tế.
        Ngoài ra, giá cả hàng hóa ở mức thấp, đặc biệt là giá dầu thô cũng như giá của kim loại và khoáng sản được dự kiến sẽ ảnh hưởng tới dòng FDI trong tương lai sẽ chảy vào các nền kinh tế APEC dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Dòng luân chuyển vốn này sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng không chỉ bởi sự cắt giảm chi tiêu vốn của các MNE trước sự suy giảm giá cả mà còn bởi sự giảm mạnh lợi nhuận tái đầu tư khi lợi nhuận biên ít đi.
        Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào các nước thành viên APEC khác sẽ tăng ở mức độ vừa phải trong năm 2016. Theo cuộc khảo sát các MNE lớn nhất, nhiều nước thành viên APEC nằm trong những nước tiếp nhận đầu tư có triển vọng, và một số nước đã cải thiện thứ bậc xếp hạng của mình so với năm ngoái (Hình 3).

Hình 3: Các nước nhận đầu tư hàng đầu trong giai đoạn 2016-2018

(x) = Xếp hạng năm 2014

        * BRICS
        Năm 2015, 5 quốc gia thành viên BRICS chiếm tới 41% dân số thế giới và tạo ra 23% tổng GDP toàn cầu nhưng chỉ nhận được 15% dòng vối FDI toàn cầu. Lượng vốn FDI tích lũy của các nước này năm 2015 đạt 2,4 nghìn tỷ USD, chiếm 9% tổng lượng FDI tích lũy toàn cầu. Cũng trong năm này, dòng vốn FDI vào các nước BRICS giảm 6%, xuống còn 256 tỷ USD, bởi vì lượng FDI đầu tư vào Trung Quốc và Ấn Độ mặc dù có tăng lên nhưng không đủ bù đắp lại sự sụt giảm dòng vốn FDI vào các nước thành viên khác.
         Năm 2016, dòng FDI vào các nước BRICS tăng lên khoảng 10 % lên mức khoảng 281,6 tỷ USD. Cú lộn ngược này đã trở thành hiện thực vào những tháng đầu tiên của năm 2016. Chẳng hạn như, trong suốt 5 tháng đầu tiên của năm 2016, dòng vốn FDI vào Trung Quốc đại 54,2%, cao hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng lên này chủ yếu là nhờ dòng vốn đầu tư vào các dịch vụ công nghệ cao gia tăng. Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục các bước mở cửa nền kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài, với kỳ vọng thúc đẩy thu hút vốn FDI. Động lực tạo ra bởi sự gia tăng mạnh các dự án đầu tư mới được công bố, bao gồm cả trong lĩnh vực sản xuất, sẽ trở thành hiện thực vào năm 2016 trở đi. Ngoài ra, các dự án đầu tư mới được công bố đầu năm 2016 cũng ám chỉ rằng dòng vốn FDI vào đang rất có triển vọng, với sự ưu ái của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Ấn Độ. Dòng vốn FDI vào Liên bang Nga giảm liên tục trong hai năm 2014 và 2015, song sang năm 2016, dòng vốn này sẽ tăng lên bởi Nga vừa công bố các kế hoạch tư nhân hóa lớn, nếu trở thành hiện thực, sẽ mở ra các cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trái lại, dòng vốn FDI vào hai quốc gia còn lại của khối BRICS được dự kiến sẽ giảm mạnh hơn nữa bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn vẫn kéo dài.

        3. Triển vọng FDI toàn cầu theo khu vực
        * Châu Phi
        Dòng vốn FDI vào Châu Phi tăng khoảng 6% năm 2016, lên mức 58 tỷ USD. Cú lộn ngược dòng này đã trở thành hiện thực qua các dự án đầu tư mới được công bố ở Châu Phi. Trong 3 tháng đầu tiên của năm 2016, giá trị của các dự án đầu tư mới đại 29 tỷ USD, cao hơn 25% so với cùng kỳ năm 2015. Mức độ gia tăng lớn nhất năm ở các nền kinh tế Bắc Phi như là Ai Cập và Morocco, nhưng triển vọng tăng trưởng lạc quan hơn cũng xuất hiện ở nhiều nước khác ví dụ như Mozambique, Ethiopia, Rwanda và Cộng hòa Thống nhất Tanzania. 
        Sự suy giảm trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và khai khoáng tiếp tục có ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng GDP và thu hút đầu tư tại châu Phi. Sự gia tăng dòng vốn FDI, theo con số đưa ra vào năm 2015, sẽ chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ (chủ yếu là trong các ngành điện, khí đốt và nước, xây dựng và giao thông vận tải), theo sau đó là các ngành công nghiệp sản xuất chế biến như thực phẩm, đồ uống và các loại xe cơ giới. Thực ra, các MNE đang thể hiện sự quan tâm rất lớn của mình đối với ngành sản xuất xe hơi ở châu Phi, với vốn đầu tư mới được công bố vào ngành này chiếm tới 3,1 tỷ USD năm 2015. Đầu tư vào ngành sản xuất ô tô của châu Phi được thúc đẩy bởi các chính sách công nghiệp ở các nước như Morocco, các thị trường tiêu thụ đô thị đang ngày càng tăng lên, cơ sở hạ tầng được cải thiện và các hiệp định thương mại thuận lợi. Nhiều hãng sản xuất ô tô lớn được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở châu Phi.
        * Các nước châu Á đang phát triển
        Do bị cản trở bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực hiện nay, dòng vốn FDI vào châu Á giảm khoảng 15% trong năm 2016, quay trở lại mức 2014. Số liệu về các vụ M&A (mua bán và sáp nhập) qua biên giới và các dự án đầu tư mới được công bố chứng minh sự suy giảm này. Ví dụ, các vụ M&A qua biên giới trong khu vực này trong 3 tháng đầu tiên của năm 2016 chỉ đạt 5 tỷ USD, chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số lượng các dự án đầu tư mới được công bố vào năm 2015 cũng thấp hơn 4% so với số lượng các dự án năm 2014. Có dấu hiệu cho thấy các khoản đầu tư liên khu vực đang tăng lên: 53% (tính theo giá trị) các dự án đầu tư mới được công bố tại châu Á năm 2015 là các dự án liên khu vực, đặc biệt là từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore. Trong số các ngành công nghiệp quan trọng nhất thúc đẩy phát triển mậu dịch khu vực này là cơ sở hạ tầng và thiết bị điện tử. Sự gia tăng của các khoản đầu tư từ Singapore sang Ấn Độ tiêu biểu cho xu hướng này.
        * Khu vực Mỹ Latinh và Caribê
        Theo UNCTAD, dòng vốn FDI ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê giảm 10% trong năm 2016 xuống còn 152 tỷ USD. Điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ vẫn khó khăn, với việc khu vực sẽ lún sâu hơn vào suy thoái trong năm 2016. Nhu cầu trong nước yếu do tiêu dùng cá nhân giảm, cùng với khả năng mất giá tiền tệ hơn nữa, sẽ có tác động đến hoạt động đầu tư sản xuất trong nước cũng như trong các ngành dịch vụ. Một sự suy giảm hơn nữa giá cả của những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này sẽ có khả năng trì hoãn các dự án đầu tư trong ngành công nghiệp khai khoáng cũng như nguồn thu nhập tái đầu tư.
        Giá trị của các dự án đầu tư mới được công bố giảm 17% từ năm 2014, xuống còn 73 tỷ USD, do sự sụt giảm 86% các dự án đầu tư trong ngành khai khoáng năm 2015. Điều này phần lớn phù hợp với các kế hoạch chi tiêu vốn của các công ty dầu nhà nước lớn của khu vực, như Petrobras (Brazil), Ecopetrol (Colombia) và Pemex (Mexico), đồng thời dự báo trước sự sụt giảm mạnh các khoản chi phí đầu tư của họ trong trung hạn. 
        * Các nền kinh tế chuyển đổi
        Sau khi sụt giảm trong năm 2015, dòng FDI vào các nền kinh tế chuyển đổi tăng khoảng 34-47 tỷ USD năm 2016, ngăn cản bất cứ leo thang hơn nữa của các cuộc xung đột địa chính trị trong khu vực. Ở Đông Nam châu Âu, quá trình hội nhập EU và hợp tác khu vực ngày càng tăng sẽ có khả năng hỗ trợ dòng vốn FDI. Trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), FDI được dự kiến sẽ tăng lên, bởi một số công ty với gánh nặng nợ khổng lồ và khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế giảm bị buộc phải bán cổ phần vốn chủ sở hữu. 
        * Các nước phát triển
        Sự phục hồi của FDI ở các nước phát triển không được duy trì trong năm 2016. Dự báo của UNCTAD cho thấy rằng, dòng vốn FDI vào các nước phát triển nằm trong khoảng 830-880 tỷ USD, với mức giảm trung bình khoảng 11%.
        Mặc dù các dự án đầu tư mới được công bố ở các nước phát triển năm 2015 đã tăng trong nhiều ngành và từ nhiều nước đầu tư, đặc biệt là châu Âu, số liệu về các giao dịch M&A qua biên giới công bố về giai đoạn tháng 01 đến tháng 4/2016 có thể cung cấp một chỉ dẫn tốt hơn về triển vọng cho năm 2016. Trong giai đoạn này, 292 tỷ USD giá trị các giao dịch M&A hướng đến các tài sản ở các nước phát triển đã được công bố, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2015 đạt 423 tỷ USD). 

        Kết luận
        Như vậy, có thể thấy rằng dòng vốn FDI toàn cầu giảm trong năm 2016. Song, trong trung hạn, dòng vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017 và vượt 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2018, phản ánh sự gia tăng dự kiến trong tăng trưởng toàn cầu. Nhìn chung, những kỳ vọng về triển vọng FDI trong ngắn hạn được mô tả khá bi quan. Dòng vốn FDI sẽ suy giảm ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Ngoài ra, việc Anh ra khỏi EU hay sự không chắc chắn về các chính sách dưới thời tân Tổng thống Donald Trump cũng khuếch đại thêm sự không chắc chắn về dòng vốn FDI toàn cầu.

        Tài liệu tham khảo
        1. UNCTAD (2016), Global Investment Prospects Assessment 2016-2018, http://unctad.org/en/PublicationsLibrary/webdiaeia2016d3_en.pdf. 
        2. UNCTAD (2016), World Investment Report 2016, http://unctad.org/en/PublicationsLibrary/wir2016en.pdf.
        3. UNCTAD (2016), World Investment Report 2015 - Reforming International Investment Governance.

                                 PHÙNG ANH VŨ / Giám đốc Công ty TNHH Tiếp vận AVC Việt Nam







Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 3
Tổng số truy cập: 378987

Thành Viên

Đối Tác