Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam

17/07/2019

ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP RA NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆT NAM

 

Đ

ầu tư trực tiếp ra nước ngoài là đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thế giới hiện nay. Sự vận động của nó có tác dụng to lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển và tính bền vững của kinh tế toàn cầu. Đối với từng quốc gia, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ tạo ra “chiếc bánh thứ hai” cho nền kinh tế mà còn giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tránh các rào cản thuế quan và phi thuế quan, mở rộng thị trường, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường… Bài nghiên cứu đi sâu vào phân tích, đánh giá thực trạng đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài; qua đó, chỉ ra các cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

 

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thế giới hiện nay. Các nước đang phát triển và chậm phát triển cũng hoàn toàn có khả năng và có nhiều cơ hội để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thậm chí đầu tư vào các nước phát triển, nếu các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo và biết đánh giá đúng cơ hội. Hơn thế nữa, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn tạo nhiều điều kiện để các doanh nghiệp tự hoàn thiện mình, góp phần phát triển kinh tế và hoàn thiện các chính sách kinh tế của đất nước. Nhận thức tầm quan trọng của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trong thời gian quan Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác lợi ích của hoạt động lưu chuyển loại vốn đầu tư quốc tế này.

1. Sự cần thiết phải đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nước đang phát triển

Đầu tư ra nước ngoài nói chung và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài nói riêng giúp cho doanh nghiệp của các nước đang phát triển làm quen và thích nghi dần với thị trường khu vực và thế giới.

Trong thời đại bùng nổ khoa học và CNTT thì đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là một trong những phương pháp ít tốn kém nhất mà các doanh nghiệp các nước đang phát triển có thể áp dụng để tiếp cận với KHCN cao, đồng thời học hỏi những ứng dụng trong CNTT, một trong những lĩnh vực là chìa khóa then chốt cho sự phát triển và thành công.

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn giúp các doanh nghiệp san sẻ rủi ro trong đầu tư và trong kinh doanh.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới cơ cấu sản xuất doanh nghiệp, tạo điều kiện áp dụng các công nghệ sản xuất mới, tăng cường tính năng động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn giúp các doanh nghiệp phát huy được thế mạnh, điểm mạnh của các sản phẩm doanh nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm truyền thống, sản phẩm riêng có của quốc gia.

2. Thực trạng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam

Những năm gần đây, đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài có xu hướng ngày càng tăng. Đây là hoạt động có tiềm năng, không chỉ giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường đóng góp cho sự phát triển đất nước, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tính đến cuối năm 2015 ,Việt Nam đã đầu tư ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ với 891 dự án và tổng vốn đăng ký đạt gần 20 tỷ USD. Trong đó, Lào là quốc gia có nhiều dự án đầu tư của Việt Nam nhất với 249 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 7,4 tỷ USD, Campuchia đứng thứ 2 với 161 dự án tổng vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD, Singapore có 55 dự án, Myanmar 22 dự án và Liên bang Nga là 19 dự án.

Nếu xét về lĩnh vực đầu tư, thì trong giai đoạn từ 1998-2013, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 9,98 tỷ USD; sau đó là dịch vụ với 3,91 tỷ USD còn nông, lâm nghiệp - thủy sản chỉ chiếm 2,74 tỷ USD.

Các tập đoàn, công ty đầu tư ra nước ngoài của Viêt Nam bao gồm:

- Tổng công ty Sông Đà, Công ty Cổ phần Điện Việt Lào với dự án thủy điện Xekaman 1 nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ Lào và Việt Nam về hợp tác phát triển năng lượng điện và mỏ đã xây dựng xong và bàn giao khu tái định cư Souksavang-Dakbou tại huyện Sansay, tỉnh Attapue, Nam Lào vào ngày 16/12/2015.

- Tập đoàn TH và Matxcơva (Liên bang Nga) với thỏa thuận hợp tác để triển khai Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao, vốn đầu tư 2,7 tỷ USD.

- Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel: với các dự án phát triển mạng viễn thông ở Campuchia, Lào, Mozambique, Haiiti, Tanzania... và tham gia đấu thầu vào thị trường viễn thông Myanmar. Công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động Bitel, chi nhánh Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel của Việt Nam tại Peru, đã tuyên bố đầu tư thêm 250 triệu USD nhằm đưa số lượng thuê bao lên mức 2,5 triệu vào cuối tháng 10/2015.

- Công ty sữa Vinamilk chuyên bán buôn nguyên liệu nông nghiệp cũng như bán buôn bán lẻ sữa, các chế phẩm từ sữa. Dự án đã và đang được triển khai tại Ba Lan với tổng mức đầu tư 3 triệu USD. Công ty này cũng đang mở rộng quy mô đầu tư bằng cách đẩy mạnh mua bán và sát nhập (M&A) dồn vốn cho các dự án đầu tư ra nước ngoài để gia tăng nhanh năng lực cung cấp.

-Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, công ty cao su Đắk Lắk với dự án trồng cây cao su ở Lào.

- Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng với dự án trồng cây cao su và sản xuất mía đường ở Lào.

- Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại tỉnh Khammuon của Lào.

- Tập đoàn FPT với dự án triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông NFS(I) - Network Facilities Service-Individual  đã được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp giấy phép và trở thành doanh nghiệp nước ngoài lần đầu tiên được phép cung cấp dịch vụ viễn thông.

- Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) đã mở công ty con FPT Software Philippines đặt tại khu Công nghệ thông tin Cebu, Philippines. Trong chiến lược phát triển dài hạn, doanh nghiệp này kỳ vọng FPT Software Philippines sẽ trở thành một trung phát triển dịch vụ có quy mô nhân lực và năng lực công nghệ tương đương các trung tâm lớn khác tại Việt Nam.

- Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với sự mở rộng đầu tư vào dự án phức hợp tổ hợp khách sạn văn phòng nhà ở cao cấp ở Myanmar với mức đầu tư 440 triệu USD.

3. Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài

* Cơ hội

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lựa chọn địa chỉ đầu tư thích hợp, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Trong bối cảnh xu hướng tự do hóa đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, các quốc gia trên thế giới hầu hết đều thực thi những biện pháp khuyến khích nhằm kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài. Điều kiện đó mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng việc đầu tư vào những nơi có khả năng đem lại tỷ suất lợi nhuận cao. Địa chỉ đầu tư không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ địa lý quốc gia, mà được mở rộng ra các nước trong khu vực cũng như toàn thế giới. Vấn đề đặt ra chỉ là năng lực khai thác cơ hội của các doanh nghiệp mà thôi.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Hoạt động thương mại là một trong những bước cơ bản đầu tiên trong lộ trình xâm nhập thị trường nước ngoài, nhưng để thực sự cắm rễ sâu bền tại thị trường các nước trên thế giới, doanh nghiệp nhất thiết phải thành lập các chi nhánh ở nước ngoài thông qua các hình thức như doanh nghiệp liên doanh hay doanh nghiệp 100% vốn. Đây chính là kinh nghiệm thành công và lớn mạnh của các công ty xuyên quốc gia trên thế giới.

Thứ ba, doanh nghiệp Viêt Nam có điều kiện khai thác các nguồn lực sản xuất của nước ngoài từ đó phát huy được lợi thế so sánh của mình. Lý thuyết cũng như thực tiễn cho thấy rằng mỗi quốc gia đều có những nguồn lực sản xuất nhất định và tổng nguồn lực là hữu hạn. Đây chính là một nguyên nhân cơ bản khiến doanh nghiệp của quốc gia này tìm kiếm cơ hội đầu tư ở quốc gia khác nhằm khai thác những nguồn lực của đất nước đó để phát triển. Đồng thời, cùng với quá trình khai thác là việc phát huy thế mạnh của mỗi doanh nghiệp. Những lợi thế sẽ không đem lại lợi nhuận một khi chúng không có điều kiện được triển khai trong thực tiễn

Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với thị trường quốc tế về vốn, máy móc thiết bị KHCN, từ đó có điều kiện tiếp thu công nghệ mới hiện đại, có điều kiện đổi mới cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp.

Thứ năm, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp thu kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao trình độ tổ chức, quản lý sản xuất, nâng cao hiểu biết về luật pháp và ý thức chấp hành luật pháp, nâng cao khả năng cạnh tranh công bằng trên trường quốc tế và cả ở trong nước.

* Thách thức

Một là, tiềm lực tài chính của đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.

Hai là, các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài.

Ba là, năng lực cạnh tranh tổng hợp của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, khiến khả năng đầu tư ra nước ngoài chưa cao.

4. Đánh giá về tình hình hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam

* Những kết quả đạt được

Cùng với việc tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang được mở rộng. Đây là một hướng đi chứa đựng nhiều rủi ro nhưng nó là tất yếu nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường thế giới. Tại Việt Nam, có không ít các doanh nghiệp đã gặt hái được thành công. Những thành quả đạt được thể hiện ở các mặt: đối với hoạt động quản lí vĩ mô của nhà nước và đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với hoạt động quản lí vĩ mô của nhà nước:

Thứ nhất, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài giúp Việt Nam sử dụng có hiệu quả nguồn vốn “dư thừa” trong nước.

Thứ hai, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài góp phần sử dụng, quản lí tốt hơn các nguồn lực trong nước.

Thứ ba, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài giúp Việt Nam thể hiện được sức mạnh kinh tế đồng thời nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế.

Thứ tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam:

Thứ nhất, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt Nam thu được lợi nhuận cao hơn đầu tư trong nước.

Thứ hai, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thứ ba, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài giúp doanh nghiệp kéo dài vòng đời sản phẩm.

Thứ tư, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư.

Thứ năm, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đổi mới cơ cấu sản xuất và hạn chế hao mòn vô hình cho thiết bị máy móc.

Thứ sáu, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm của các nước phát triển khi thực hiện đầu tư trực tiếp vào các nước này (ví dụ như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp,…)

Đối với vấn đề xã hội:

Thứ nhất, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ở Việt Nam không chỉ có tác dụng lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà bên cạnh đó nó còn giúp cho dân trí phát triển, mở mang tầm hiểu biết ra thế giới bên ngoài.

Thứ hai, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam còn giúp Việt Nam có thêm nhiều bạn bè trên thế giới, mở rộng được mối quan hệ giao lưu kinh tế-xã hội với các nước trên thế giới, cùng với các quốc gia trên thế giới xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại vì nền hòa bình và sự phát triển của nhân loại.

* Những hạn chế và nguyên nhân cơ bản

Những hạn chế

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, đáng khích lệ nhưng hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đó là:

- Năng lực cạnh tranh yếu.

- Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thiếu tính liên kết với nhau.

- Triển khai dự án chậm.

- Hiệu quả vốn đầu tư chưa cao.

Nguyên nhân

- Cơ chế chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này còn thiếu, chưa tạo động lực để phát triển các họat động đầu tư: Các chính sách, văn bản pháp luật của Việt Nam còn thiếu, chưa đồng bộ thậm chí còn chồng chéo lên nhau gây nhiều bất cập.

- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế thể hiện trên tất cả các mặt tài chính, khoa học công nghệ, trình độ quản lý.

- Sự hỗ trợ về đầu tư từ phía nhà nước đối với các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài còn mờ nhạt, thiếu đồng bộ từ chủ trương chính sách đến các biện pháp cụ thể.

- Nền kinh tế Việt Nam đang ở trình độ phát triển thấp. Các ngành kinh tế còn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nên không tránh hỏi những khiếm khuyết.

- Nước nhận đầu tư hầu hết là các nước đang phát triển, trình độ lao động còn hạn chế nên khi đầu tư vào những nước này phải tiến hành đào tạo lại lao động. Điều này đòi hỏi kinh phí khá lớn, làm tăng chi phí của doanh nghiệp trong khi quy mô vốn đầu tư còn nhỏ sẽ gây nên sự e ngại khi đầu tư vào những nước này. Mặt khác, đối với những nước nhận đầu tư là những nước phát triển thì do doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tuyển chọn đủ lao động từ trong nước sang mà vẫn phải tuyển dụng lao động ngay tại nước sở tại, điều này sẽ kéo theo vấn đề tiền thuê lao động sẽ cao hơn nhiều.

5. Một số giải pháp cơ bản thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về đầu tư ra nước ngoài.

+ Đơn giản hóa thủ tục đăng kí cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài, tiến tới bỏ hình thức cấp phép, chuyển sang hình thức đăng kí đầu tư cho thuận tiện mà vẫn không giảm tính chất quản lý của Nhà nước.

+ Rút ngắn thời hạn cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam xuống tối đa là 15 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ.

+ Xây dựng danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư ra nước ngoài với những hình thức ưu đãi phù hợp về tín dụng mua ngoại tệ, thuế…

+ Đưa hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp FDI vào thành các quy định của Nghị định.

+ Cần phân cấp lại thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài.

+ Những quy định trong Nghị định cần rõ ràng, minh bạch và phải lượng hóa được, không nên đưa ra quá nhiều quy định mang tính định tính gây phiền phức khi xét duyệt giấy phép đầu tư và tạo cơ hội cho những tiêu cực xã hội nảy sinh phát triển.

+ Mở rộng diện đầu tư, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài vào những lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, y tế, thậm chí thực hiện đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức cho thuê, tín dụng quốc tế, miễn là các doanh nghiệp này có luận chứng kinh tế bảo đảm khả năng sinh lời của dự án.

+ Chính phủ cần yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành các văn bản còn thiếu liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp ở nước ngoài tạo hành lang pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động kinh tế này.

+ Các chính sách, chế độ và cơ chế điều chỉnh đối với hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài cũng cần được quy định rõ ràng, ngắn gọn,nhưng phản ánh được các chỉ tiêu cần thiết như: số vốn thực hiện, tình hình sản xuất kinh doanh, thu hút lao động, xuất khẩu, lợi nhuận… Đồng thời, cần có các chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, không kịp thời tình hình hoạt động ở nước ngoài.

Thứ hai, ban hành các chính sách ưu đãi khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

- Chính sách thuế:

Thuế là công cụ tài chính số 1 có tác động đến khả năng tạo ra lợi nhuận của dự án đầu tư, do thuế  ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đến khả năng sinh lời của đồng vốn và đến khả năng tái đầu tư của các doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải:

+ Áp dụng chính sách thuế ưu đãi cho các dự án thuộc Danh mục các lĩnh vực khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

+ Cho phép các dự án mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài được hưởng các ưu đãi thuế đầu tư ít nhất là ngang bằng với doanh nghiệp trong nước đang được hưởng theo luật, nếu như lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư ra nước ngoài hay giống hay bổ sung cho hoạt động của doanh nghiệp ở trong nước.

+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư ra nước ngoài được Nhà nước hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp đối với khoản thu của dự án đầu tư ở nước ngoài, nếu doanh nghiệp sử dụng số lợi nhuận thu được để tái đầu tư ở nước ngoài.

+ Mẫu vật, tài liệu, kĩ thuật… nhập khẩu nhằm mục đích nghiên cứu, phân tích,phục vụ cho việc thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu và là đối tượng không chịu thuế GTGT.

-         Chính sách ngoại hối:

+ Thực hiện nhất quán chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt đối với những dự án nằm trong Danh mục đặc biệt khuyến khích và khuyến khích đầu tư ở nước ngoài bằng việc tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp mua ngoại tệ, chuyển ngoại tệ có liên quan đến hoạt động đầu tư ra và vào Việt Nam.

+ Cho phép các doanh nghiệp Việt Nam có nguồn thu ngoại tệ ổn định và tương đối lớn được mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thuận tiện cho việc trang trải các nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp.

+ Tiếp tục nới lỏng, tiến tới tự do hóa trong quản lý ngoại hối.

+ Phát triển thị trường ngoại hối đáp ứng nhu cầu ngoại tệ, đồng thời tạo cơ chế hạn chế rủi ro tỷ giá hối đoái cho các doanh nghiệp.

Thứ ba, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực FDI.

+ Tham gia kí kết các hiệp định đầu tư đa phương khu vực và song phương.

+ Tích cực đàm phán ký kết các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và nâng cao hiệu quả triển khai của các hiệp định đã ký để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh  nghiệp.

+ Nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp.

+ Cải thiện cơ chế đầu tư tài chính.

+ Xây dựng, củng cố các tổng công ty theo hướng thành lập các tập đoàn kinh tế.

+ Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam, trước hết tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh.

Kết luận

Hoạt động đầu tư quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ trở lại đây, và thực sự trở thành một đặc trưng cơ bản của nền kinh tế hiện đại. Tham gia vào hoạt động đầu tư quốc tế chủ yếu là các nước phát triển với lợi thế về tiềm lực tài chính mạnh, năng lực khoa học công nghệ hiện đại, cộng với trình độ quản lý kinh doanh tiên tiến và có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay trong xu thế phát triển của dòng luân chuyển vốn đầu tư quốc tế, nhiều nước đang phát triển với tư cách là nước chủ đầu tư. Sự tham gia của các nước đang phát triển làm đa dạng phong phú thêm hoạt động đầu tư quốc tế - một lĩnh vực gần như độc quyền của các nước phát triển trong một thời gian dài trước đây.

Việt Nam cũng đã tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài từ rất sớm và thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để tăng cường hoạt động này trong thời gian tới, ngoài việc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cần chú trọng tới việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hình thành và phát triển đồng bộ các hệ thống trên thị trường, cũng như hoàn thiện hệ thống luật pháp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực.

 

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Đức Bình (2012), Giáo trình Đầu tư quốc tế, Trường Đại học KTQD, Nxb. Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.

2. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài (2013), Tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài lũy kế đến QI năm 2013, Hà Nội.

3. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài (2013), Báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài Quý I 2013, 2012, 2011, Hà Nội.

4. Chu Văn Cấp (2003), Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Nguyễn Hữu Huy Nhựt (2009), “Kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài của các nước đông Nam Á và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Phát triển kinh tế, số (220), tr 33-38.

6. Nguyễn Hữu Huy Nhựt (2010), Chiến lược đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

7. Đinh Trọng Thịnh (2006), Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Nxb. Học viện Tài chính, Hà Nội.

8. Lưu Đạt Thuyết (2003), Toàn cầu hóa kinh tế và chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Tham khảo từ các website:

www.mpi.gov.vn

www.moit.gov.vn

www.mof.gov.vn                                                              
                                                          PHÙNG ANH VŨ / Giám đốc Công ty TNHH Tiếp vận AVC Việt Nam





Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 52
Tổng số truy cập: 372349

Thành Viên

Đối Tác